Là một phần của văn hóa mỗi dân tộc, kiến trúc của mỗi dân tộc có những đặc tính riêng tựa như mã gien. Đâu là các mã gien định hình đặc điểm kiến trúc Việt Nam? “Chức năng sinh học” của nghệ thuật Triết gia Francis Bacon từng nói: “Nghệ thuật, tức là con người thêm vào thiên nhiên”. Theo van Gogh, đó là một định nghĩa duy nhất tuyệt vời cho chữ “nghệ thuật” mà ông từng được biết. Manet cũng cho rằng định nghĩa đó “tuyệt đối đúng”. (Và chỉ đúng khi chúng ta trả lời được câu hỏi: Chúng ta đã thực sự hiểu thiên nhiên hay chưa?) Ở thế kỷ 20, Mark Rothko nêu ra một khái niệm khá thú vị như để bổ sung cho các định nghĩa trước đó về nghệ thuật. Ông gọi nghệ thuật là một “loài”: “loài nghệ thuật”. Phải chăng, trên con đường tiến hóa của vạn vật, sự xuất hiện của “loài nghệ thuật” là một nghiệm của phương trình tổng quát vũ trụ? Chẳng thế mà sau khi bàn luận đủ thứ liên quan đến nghệ thuật, trong đó có cái tối thượng mà ông gọi đó là “summa cum altima”, Rothko vẫn không quên nhắc nhở chúng ta: “Nghệ thuật như là một chức năng sinh học tự nhiên”. Đâu đó trong quan niệm của người Việt Nam, nghệ thuật cũng được coi như sinh thể: có diện mạo và cảm xúc, có quy cách và ước mơ, có sinh và diệt. Ca dao truyền tụng: “Đôi ta như tượng mới tô, như tranh mới vẽ, như chùa mới xây”, hay “Qua đình ngả nón trông đình, đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”. Nguyễn Gia Trí thì nói về chất liệu sơn mài: “Sơn cũng có cuộc sống riêng của nó: cũng trẻ, già, chết”. Trong “Thăng Long thành hoài cổ”, Bà Huyện Thanh Quan viết câu thơ tuyệt hay về kiến trúc, về cái đẹp sinh diệt vô thường, như một ẩn ý rằng nghệ thuật vốn nằm trong sự vận động tổng thể của tự nhiên: Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương. “Chức năng sinh học” của nghệ thuật cũng được nhận ra trong hiện tượng di truyền các “mã nghệ thuật” qua các thế hệ. Sự di truyền này diễn ra ở góc độ sinh học và văn hóa, vốn có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau. Mã gien nghệ thuật Tính di truyền của nghệ thuật có thể được soi chiếu thông qua các cơ sở sinh học, tâm lý dân tộc, các dữ liệu lịch sử (sự kiện, văn bản, thiết chế xã hội, tôn giáo…), những di sản vật thể (kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang phục, đồ mỹ nghệ…), di sản phi vật thể (âm nhạc, ca dao, tục ngữ, truyện dân gian…). Một cơ chế (nguyên lý, cấu hình) sáng tạo nào đó được duy trì “đủ lâu” qua nhiều giai đoạn lịch sử bởi nhiều thế hệ của một dân tộc thì cơ chế đó được coi là có tính di truyền, biểu thị một mã gien nghệ thuật. Nguồn: kienviet.net

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *